20 điều thú vị bạn nên biết trước khi đi du lịch Nepal
top of page
  • Writer's pictureYogi Travel VN

20 điều thú vị bạn nên biết trước khi đi du lịch Nepal

1. Đi máy bay nội địa ở Nepal

2 thành phố chính khi đi du lịch ở Nepal là Kathmandu và Pokhara. Từ Kathmandu đi Pokhara có 2 cách: 1 là đi xe bus - mất hơn 8 tiếng, đường xóc và rất bụi, 2 là đi máy bay mất 20 phút. Để tiết kiệm thời gian, mình đã book chuyến bay từ Kathmandu đi Pokhara và ngược lại nên đã có những trải nghiệm khá thú vị với chuyến bay nội địa ở đây.

Thứ nhất là: nếu bạn là người nước ngoài bạn phải trả giá gấp đôi người bản địa - đó là quy định.

Thứ 2: Các hãng nội địa liên kết với nhau, nên đừng thấy lạ khi mà bạn mua vé hãng này xong được hướng dẫn lên máy bay của hãng khác.

Thứ 3: Sân bay nội địa nhỏ, nhiều chuyến liên tiếp nhau, cửa ra máy bay mở rộng thênh thang, và không có ai check coi bạn lên đúng bus để ra máy bay hay không, cũng không có ai check ngay cửa máy bay coi có đúng bạn bay chuyến đó hay không. Nên bạn phải hết sức để ý, tránh bị lên nhầm máy bay và hạ cánh ở đâu đó mà mình không biết nha.

Thứ 4: Máy bay siêu nhỏ, chứa chừng 20 - 40 người, có một chị tiếp viên đi lại phải cúi đầu lom khom. Từ ghế ngồi có thể thấy được anh phi công đang làm gì luôn. Và view trên trời thì siêu đẹp, các dãy núi tuyết trùng điệp bên dưới.

Thứ 5: Nếu dự báo thời tiết là buổi chiều trời mưa, mà bạn lại cần bay vào chiều đó - không muốn bị rủi ro delay ở lại thêm 1 đêm, thì bạn nên ra sân bay lúc 10 giờ sáng, và năn nỉ nhân viên đổi vé cho bạn qua chuyến sớm. Họ sẽ sắp xếp cho bạn đi chuyến sớm (hãng nào cũng được, như điều 2 á) mà bạn không phải mất phí gì cả (mình đã áp dụng thành công)


2. Kẹt xe ở Kathmandu

Cửa ngỏ đi vào Kathmandu lúc nào cũng chật cứng xe, đa phần mọi người bên này di chuyển chủ yếu bằng xe ô tô mà đường lại quá nhỏ, không thấy đèn xanh đỏ đâu hết nên mạnh ai người đó chạy. Nếu bạn ra sân bay nên lường trước việc này và dành khoảng 1 tiếng để không bị lỡ chuyến bay nhé.


3. Ni hao!!

Cứ đi 3 bước là có người chào Nihao - đó là chuyện của phố du lịch Pokhara, theo một người bạn local mà mình quen thì ở đây tiếng Trung được dạy miễn phí, các trường dạy tiếng Trung tuyển sinh mỗi ngày và còn cấp học bổng để đi Trung Quốc học nữa, thảo nào mà từ chú taxi đến anh bán trái cây cứ thấy mặt mình là ni hao.


4. Bụi

Thủ đô Kathmandu và các thành phố lân cận như Patan thì siêu bụi, bạn có thể mang theo một cái khẩu trang để đeo vào nếu muốn đi bộ dạo vòng vòng quanh phố cổ


5. Bẩn

Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần là nhiều nơi khá bẩn, chuột chạy qua lại, người nằm ngủ chung với chuột, rác rưởi bốc mùi...


6. Đốt xác trên sông

Xem câu chuyện chén trà của mình ở đây:


7. Ăn gì

Mình thèm rau kinh hoàng sau 2 tuần ở Nepal và suốt ngày chỉ quanh quẩn với momo và cà ri. Mặc dù đi vào chợ thấy quá chừng người bán rau, nhưng chả hiểu sao không có mấy nhà hàng đại phương phục vụ món rau xào, rau luộc, rau nấu canh như Việt Nam :D. Nếu bạn đi leo núi thì cơm cà ri, momo, trứng rán hoặc luộc, pasta...là các món chủ lực ăn mỗi ngày, vì địa hình núi cao nên người ta không thể mang nhiều đồ lên được. Tuy nhiên dưới thành phố thì thoải mái nhé, các thể loại nhà hàng đắt rẻ, nhà hàng Pháp, Ý, Việt Nam rất nhiều


8. Pizza và Burger trở thành món ăn địa phương

Chả biết từ khi nào mà 2 món ăn đậm chất phương Tây này lại lạc vào xứ cà ri này, cho đến ngày nay thì nó trở thành món ăn mỗi ngày ở nước này, rất dễ dàng gặp quán pizza và burger ở mỗi góc phố, những anh chị mặc sơ rê đỏ vàng ngồi dùng tay bốc khoai tây chiên chấm tương cà và gặm burger như bình thường

9. Trả giá taxi

Vô chừng giá, chả biết trả thế nào cho khỏi hố, tốt nhất là bạn nên coi sẵn google map ước lượng khoảng cách rồi hãy deal giá nhé. Từ sân bay Kathmandu tới Thamel chừng 400 -500 rupie, từ sân bay Pokhara tới trung tâm chừng 300 - 400 rupie.


10. Trekking và leo núi

Bạn nên thuê local guide, bất kể cung ngắn hay dài. Mỗi năm ở Nepal có ít nhất là 10 case lạc đường trên núi hoặc mất tích lúc đi du lịch, nên tốt nhất là thuê người dẫn đường theo.

Nếu bạn ở Pokhara có thể trek 2 cung, 1 là Annapura hoặc Everest base camp - 2 cung này nằm trong vùng Annapurna nên phải làm giấy phép, mức phí là 4000 rupie. Phần núi còn lại nằm ngoài dãy Annapurna thì không phải đóng phí này.

Bữa mình có đọc bài của một bạn nào đó hướng dẫn cách trốn phí này,mình nghĩ là không nên, thực ra mức phí này là dùng để sử dụng cho việc tu bổ đường sá, xây trường học bệnh viện ở các khu xa xôi. Bạn nên đóng góp một ít giúp đỡ đất nước nghèo nhé.



11. Hãy gắn kết cộng đồng khi đi du lịch

Khi đi leo núi, mình nhận thấy rất nhiều người mang theo bánh kẹo để phát cho trẻ em ở bên đường, ở các làng mà họ ghé qua. Điều này thực tế là tốt, trước đây mình cũng đã từng làm như vậy. Sau này thì mình đã nhận thấy được rằng đường là không tốt, phát kẹo bánh chỉ mang tính vui thích tạm thời thôi. Nếu bạn muốn tạo được giá trị lớn hơn cho cộng đồng nơi bạn ghé qua thì hãy mang theo vài cuốn truyện tranh, vài quả bóng đá, một loại nhạc cụ gì đó cũng được... đó là những thứ mang giá trị gắn kết và tạo ra một cộng đồng lành mạnh tốt hơn.

Lúc mình ghé làng tị nạn Tibetan và tặng cho mấy em nhỏ 2 trái banh mới, thế chỗ cho trái banh làm bằng lá chuối mà mấy em vui như là trúng xổ số vậy, nân niu lau chùi sạch mỗi khi chơi xong.


12 . Tập thể lực để leo núi

Bài tập hiệu quả nhất cho chuyến trekking hoặc leo núi ở Nepal mà mình rút được đó là bài tập leo cầu thang. Bởi vì đa số các cung đường trek ở đây đều là tăng độ cao, leo bậc thang mỗi ngày, đi lên còn đỡ, đi xuống phải gồng bắp đùi và bắp chân, đau và mỏi thôi rồi. Bạn luyện thể lực bằng cách leo mấy chục lầu mỗi ngày lên xuống vài lần, cứ vậy là ngon nha - mình hứa!



13. Say độ cao

Từ khoảng 3000m là bắt đầu có dấu hiệu say độ cao rồi đó, cái này tùy thuộc vào cơ thể mỗi người, khoa học chưa tìm được nguyên nhân tại sao có người say có người không. Nên nếu bạn chưa thử ở trên 3000m thì hãy mang theo thuốc chống say độ cao, hãy nghĩ ngơi và đi thật chậm để cơ thể kịp thích nghi nhé. Cảm giác say độ cao kinh hoàng lắm, mình từng bị một lần ở Ladak Ấn Độ rồi.


14. Kathmandu vs Pokhara

Kathmandu thì bụi bẩn nhưng có nhiều di tích lịch sử, nhiều địa điểm văn hóa thú vị

Pokhara thì mát mẻ, sạch sẽ, hồ nước giữa lòng thành phố trong xanh nhưng boring hơn (theo mình). Tuy nhiên Pokhara lại là nơi bắt đầu của hành trình leo núi, nên ai cũng ghé qua đây trước khi leo.



15. Đạo Hindu và đạo Phật Tây Tạng

Đây là hai tôn giáo chính ở Nepal, cảm giác đi du lịch ở Nepal cứ như sáng đi Ấn chiều đi Tibet vậy. Vừa coi đốt xác ở đền Hindu xong đi vài bước thì thấy cờ Om mani padme hum bay phất phới trên bảo tháp của người Tây Tạng.


16. Đi theo chiều kim đồng hồ

Ở những bảo tháp, hay bánh xe cầu nguyện bạn phải đi theo vòng xoay kim đồng hồ.

Đó là quy định của phật giáo Tây Tạng, bạn nên làm đúng để gặp nhiều may mắn nhé



17. Mang đồ dùng bằng da

Không được mang áo khoác da, túi xách bằng da khi tham quan đền Hindu

Bất kể đồ da của bạn là đồ thật hay đồ rởm, cứ thấy da là người ta không cho vô đâu nha. Vì bò là một con vật linh thiêng của đạo Hindu. Kể cả cái đôi dày da cùi bắp mà ko biết là da gì họ cũng sẽ đuổi bạn ra đó



18. Đạo Hindu thờ thần gì?

Có tới mấy trăm vị thần của đạo Hindu, nên bạn chỉ cần nhớ một vài thần phổ biến và nổi bật nhất như là: Brahma, Shiva, Vishnu, Saraswati, Lakshmi,Ganesha (google đọc qua nha) để có cái mà tám khi đi vào đền.

Mấy ông Yogi, sống cuộc đời hành khất mỗi ông sẽ thờ một thần khác nhau và mấy ổng hóa trang mình giống thần đó luôn, nếu để ý bạn sẽ thấy. Có mấy ông trang trí, họa mặt mũi rất đẹp ngồi làm kiểng cho mọi người chụp hình và thu phí nữa



19. Thờ nữ thần sống Kumari

Thần sống Kumari là những bé gái xinh đẹp, được lựa chọn từ khắp Nepal, được tôn vinh làm nữ thần và phải sống tách biệt với cộng đồng tại các cung điện ở khắp 7 vùng ở Nepal nhằm làm cầu nối của người dân với các thánh thần bảo trị và ban phước lành cho dân. Đây là một điểm văn hóa kỳ lạ, bị lên án là hủ tục nhưng vẫn tồn tại lạ lùng ở Nepal.

20. Có phải đi Nepal chỉ là để leo núi.

No, cái này là sai nha. Nepal được xem là một trong những địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn nhất châu Á. Nếu bạn không đi leo núi bạn vẫn có thể đi vòng quanh tham quan các thành phố và khám phá văn hóa nơi đây

Tham khảo lịch trình của mình: Lịch trình du lịch Nepal 2 tuần

Xem toàn bộ hành trình trên Instagram Yogi Travel VN

Toàn bộ bài viết, các câu chuyện về chuyến du lịch Nepal TẠI ĐÂY

Và cách xếp đồ khi đi Nepal gọn nhẹ, tiện cho leo núi di chuyển chỉ với 7kg ở link sau



371 views0 comments
bottom of page