Siddhartha - tự mình đốt đuốc lên mà đi!
top of page
  • Writer's pictureYogi Travel VN

Siddhartha - tự mình đốt đuốc lên mà đi!

#review sách


Tên sách là Siddhartha, cũng là tên của nhân vật chính - Siddhartha là một thanh niên thuộc dòng dõi gia tộc Ba La Môn ở Ấn Độ, câu chuyện lấy bối cảnh vào thời đức Phật còn sống, có tình tiết liên quan đến Phật, nhưng đây không phải là câu chuyện về đức Phật nhé (tên của Phật, trước khi xuất gia là Hoàng tử Siddhartha Gautama - Tất Đạt Đa Cồ Đàm, Phật Thích Ca trong cuốn sách này được nhà văn Hesse gọi là "Gotama" (Cồ Đàm).

Review sách Siddhartha

Review sách Siddhartha

Siddhartha là sinh ra trong một gia đình Bà La Môn, khôi ngô, thông minh, luôn khao khát hiểu biết. Cuộc sống Siddhartha êm ả trôi, trong niềm hạnh phúc rộn ràng của người mẹ, trong niềm tự hào tin tưởng của người cha. Tuy nhiên đâu đó trong sự bình yên và hạnh phúc, Siddhartha luôn cảm thấy không thanh thản, trí tuệ anh vẫn chưa đầy, tâm hồn anh vẫn chưa an tịnh, sự bất an vẫn luôn cuộn trào như những con sóng trong lòng anh. Với sự thôi thúc đi tìm chân lý, Siddhartha từ biệt mẹ cha, cùng người bạn thân Govinda tham gia vào nhóm những tu sĩ khổ hạnh, đi vào rừng, sống cuộc đời của một sa môn. Siddhartha có một mục đích rất rõ ràng: để trở thành trống vắng (vô ngã), sạch hết khao khát, không còn ham muốn, tìm thấy sự an lạc và mở lòng để đón nhận cái tâm tịnh. Sau những năm tháng sống cùng các sa môn, anh đã học cách diệt ngã bằng cách trải qua đau đớn, trải qua đau khổ tự nguyện, chiến thắng khổ đau, đói khát và mệt mỏi. Tuy nhiên đó vẫn chưa là chính đạo, thứ mà anh vẫn luôn khao khát kiếm tìm.

Một lần nữa anh và người bạn thân lại ra đi, từ bỏ cuộc đời sa môn và tiếp tục lên đường. Lần này Siddhartha gặp Đức Phật, và lắng nghe bài thuyết giảng của Ngài. Khâm phục trước tài nắng đức độ và sự hiểu biết thâm sâu của Đức Phật, người bạn thân của Siddhartha xin phép gia nhập vào tăng đoàn, mong được học hỏi, được giải thoát, Siddhartha thì không. Không phải vì anh không lĩnh hội được lời chỉ giáo của Đức Phật, không phải vì anh không tin vào sự giải thoát của ngài, anh rất mực tôn trọng và ngưỡng mộ ngài, tư tưởng và bài giảng của ngài rất trong sáng và đáng tôn kính. Nhưng anh muốn sự trải nghiêm, anh muốn tự tìm sự giải thoát cho mình bằng chính sự chứng nghiệm của chính bản thân mình. Chính vì thế, Siddhartha lại tiếp tục du hành, với con tim khao khát được học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Trên đường đi Siddhartha ngủ nhờ túp lều tranh bên sông và nhờ ông lão chủ nhà lái đò đưa sang sông. Người lái đò vui vẻ đồng ý, không màng trả công, chỉ nói với anh rằng "mọi sự đều trở lại".


Review sách Siddhartha

Review sách Siddhartha


Trong chặng đường 20 năm du hành tiếp theo, Siddhartha đã sống cuộc đời thường dân. Anh trải qua những năm tháng đắm chìm trong dục vọng cùng cô gái điếm thượng lưu xinh đẹp và giàu có Kamala, cô đã dạy anh mọi kỹ năng yêu đương, đem cho anh khoái lạc và tình yêu. Anh học buôn bán từ nhà buôn giàu có Kamaswami, và chẳng bao lâu anh cũng trở nên giàu có. Với cuộc sống trong nhung lụa, giàu sang, tiền bạc, quyền lực và lạc thú, mọi thứ đã kéo Siddhartha đi sâu vào ham muốn, biếng nhác, trì trệ và bực bội - thứ bệnh cố hữu của những kẻ giàu sang. Cho tới một ngày, Siddhartha giật mình, tỉnh dậy từ giấc mơ và cảm thấy buồn rầu khủng khiếp, anh nhận ra sự phí hoài và vô nghĩa trong cuộc sống hiện tại. Một lần nữa Siddhartha lại từ bỏ tất cả mọi thứ và ra đi.

Siddhartha quay trở lại bến đò ngày nào, muốn trầm mình vào dòng sông, muốn hủy hoại, đập nát cái "kiến trúc thất bại của đời mình". Nhưng đó cũng chính là khoảnh khắc anh nghe được tiếng "OM" của vụ trụ vọng về từ dòng sông, tiếng OM thiêng liêng thức tỉnh con người anh đem cho anh sự nhận thức rõ ràng nhất. Há chẳng phải bao nhiêu lâu nay, đi một đường vòng thật lớn để biến từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành và bây giờ lại quay trở lại thành một người như trẻ thơ, ngơ ngác.

Siddhartha ở lại với ông lái đò ngày nào bên dòng sông, sống cuộc đời bình yên ngày ngày lắng nghe sự thanh bình vọng về từ dòng sông. Một ngày nọ, Kamala trên đường đi đã bị rắn cắn và bỏ mạng tại dòng sông, để lại cho anh đứa con trai của anh mà anh chưa từng biết. Siddhartha ra sức giáo dục thằng bé, nuôi dưỡng, chăm bẵm nó bằng tình thương, nhưng thằng bé nhất quyết không chịu, nó đã quá quen với cuộc sống nhung lụa, cung phụng của mọi người và nó bỏ đi. Một lần nữa Siddhartha nhận ra rằng, chỉ có tự trải nghiệm mới giúp con người ta nhận thức được đâu là đúng đâu là sai. Anh không đi tìm thằng bé nữa, mà quay trở về bên bến đò, sống cuộc đời thanh tịnh, nhẹ nhàng, an lạc trong sự giác ngộ.


Đức Phật dạy rằng "hãy tự thắp đuốc lên mà đi", Siddhartha đã được gặp đức Phật, khi giáo lý của Ngài đang ở giai đoạn cường thịnh nhất, khi hàng trăm ngàn người đổ về để được quy phục Ngài, nhưng anh từ chối, anh lái tư tưởng mình theo hướng tự nghiệm chứng. Dẫu mất nhiều thời gian, dẫu khó khăn và đau khổ hơn, nhưng cuối cùng thì anh cũng tìm thấy thứ anh cần tìm.


Siddhartha không phải là sự chán nản về cuộc sống, không phải là sự lên án xã hội, cũng không kêu gọi con người từ bỏ cuộc sống vật chất .... ở Siddhartha chứa đầy tình yêu thương với cuộc sống với con người và với vũ trụ. Cuộc sống và những thứ có mặt trên đời, là môi trường để con người ta trải nghiệm, có nghiệm chứng vào nó, để hiểu, để giác ngộ, để tìm ra chân lý. Chân lý là thứ có sẵn, là thứ được biết trước, nhưng làm sao để đến được nó? Siddhartha đã chứng minh rằng, tất cả cần phải có nghiệm chứng và đặc biệt là sự tự nghiệm chứng, tự trải nghiệm.

Hermann Hesse là người Đức, một người ở một xã hội khác lại có thể truyền bá được sự thâm thúy của triết học phương Đông qua một câu chuyện đơn giản gọn gàng như vậy quả là rất tài tình.

Nếu bạn muốn đọc thì mua sách ở Tiki nha, mình rất thích dịch vụ giao hàng mới trong vòng 2 tiếng của Tiki siêu nhanh và dễ thương. Link WEBSITE TIKI ở đây



162 views0 comments
bottom of page